Đối với những ai theo đuổi lối sống lành mạnh, granola đã trở thành một phần quen thuộc trong chế độ ăn uống. Việc tìm hiểu granola ăn với gì là rất quan trọng, đặc biệt với những người đang trong quá trình giảm cân. Việc kết hợp granola với thực phẩm phù hợp sẽ giúp cung cấp đủ dinh dưỡng mà không làm tăng cân. Bài viết dưới đây sẽ gợi ý những cách ăn granola tốt cho sức khỏe và phù hợp với chế độ ăn kiêng.
Lợi ích khi ăn granola
Granola là một loại thực phẩm bổ dưỡng, được chế biến từ yến mạch, các loại hạt như hạnh nhân, hạt điều, quả óc chó, hạt bí, hạt mắc ca, cùng với các loại trái cây sấy khô như nho, táo tàu, đào, chà là và được ngọt hóa bằng mật ong hoặc đường nâu. Hỗn hợp này được trộn đều và nướng đến khi có màu vàng nâu, giòn và thơm ngon.
Granola thường được ưa chuộng như một bữa sáng hoặc đồ ăn nhẹ cho những người quan tâm đến sức khỏe hoặc đang giảm cân. Tuy không chứa đường tinh luyện, nhưng các thành phần trong granola có thể ẩn chứa lượng đường và chất béo cao. Do đó, cần điều chỉnh khẩu phần ăn hằng ngày và lựa chọn granola ăn kèm sao cho hợp lý. Một số lợi ích khi ăn granola bao gồm:
- Hỗ trợ giảm cân
- Cải thiện hệ tiêu hóa
- Tăng cường hệ miễn dịch
- Giảm lượng đường trong máu
- Giảm cholesterol
- Cải thiện huyết áp
- Tăng cường năng lượng
- Cung cấp dưỡng chất cho phụ nữ mang thai
Granola ăn với gì để tốt cho sức khỏe?
Granola thường được ăn kết hợp với các sản phẩm từ sữa như sữa tươi không đường, sữa chua không đường, sữa chua Hy Lạp, sữa hạt, hoặc được ăn kèm với salad trái cây, sinh tố. Đôi khi, granola còn được sử dụng làm nguyên liệu cho bánh quy hoặc smoothie bowl. Với giá trị dinh dưỡng cao, granola có thể được sử dụng trong nhiều bữa ăn trong ngày, nhưng khẩu phần ăn nên được giới hạn để tránh phản tác dụng.
Granola ăn với gì vào buổi sáng?
Buổi sáng là thời điểm lý tưởng để ăn granola, giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động suốt cả ngày và cũng là sự lựa chọn nhanh gọn cho những người bận rộn. Dưới đây là một số công thức đơn giản cho bữa sáng với granola:
- Granola bowl: Kết hợp granola với sữa tươi không đường, sữa hạt, hoặc sữa chua ít đường, cùng với các loại trái cây tươi như dâu tây, việt quất, kiwi, táo, chuối. Bạn có thể thêm một chút bột như bột ca cao, bột trà xanh hoặc bột quế để tăng thêm hương vị. Nếu granola chưa đủ ngọt, có thể cho thêm một ít mật ong hoặc siro.
- Rắc lên sinh tố: Rắc granola lên trên sinh tố trái cây hoặc các loại trái cây tươi, thêm ít hạt chia để tăng cường hương vị.
- Bánh mì chuối: Phết một lớp bơ hạt lên lát bánh mì nướng, xếp chuối cắt lát lên trên và rắc một ít granola. Món ăn này không chỉ ngon miệng mà còn đầy đủ dinh dưỡng cho bữa sáng.
Ăn gì với granola trong bữa ăn chính?
Granola có thể kết hợp với nhiều thực phẩm lành mạnh khác như thịt ức gà, trứng, cá, đậu phụ, và các loại rau xanh như súp lơ, cải xoăn, bắp cải, hoặc các loại đậu. Bạn có thể rắc granola lên trên món ăn để tăng thêm độ ngon miệng.
Ăn gì với granola trong bữa phụ?
Để tránh tạo áp lực cho dạ dày, không nên ăn granola quá gần giờ đi ngủ. Tốt nhất là nên ăn granola ít nhất 2 giờ trước khi đi ngủ. Trong trường hợp vẫn còn đói, hãy chỉ sử dụng granola mà không kết hợp với các thực phẩm khác như granola bar hoặc một nắm granola.
Nên ăn granola bao nhiêu là đủ?
Để đảm bảo ăn granola một cách khoa học và tốt cho sức khỏe, bạn nên ăn khoảng 40 – 50g mỗi ngày, từ 3 – 4 lần/tuần, xen kẽ giữa các bữa ăn hoặc ăn cách tuần. Nếu ăn granola với sữa và một ít trái cây, 50g là đủ. Còn nếu kết hợp granola với nhiều trái cây hơn hoặc sữa chua và các thực phẩm khác, bạn nên sử dụng khoảng 2 muỗng granola. Nhờ đó, bạn có thể thưởng thức granola hàng ngày mà vẫn giữ lượng calo ổn định.
Mặc dù granola chứa nhiều thành phần tốt cho sức khỏe, nhưng nó cũng chứa lượng calo, chất béo và đường bổ sung không nhỏ. Khi mua granola chế biến sẵn, các nhà sản xuất thường thêm vào các chất béo như dầu thực vật, dầu dừa, và bơ hạt để tăng cường hương vị. Việc tiêu thụ quá nhiều đường và chất béo có thể dẫn đến tăng cân không mong muốn và các bệnh chuyển hóa do hấp thụ quá nhiều calo.
Ăn nhiều đường cũng có thể gia tăng nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường loại 2, béo phì, bệnh tim, sâu răng và thậm chí một số loại ung thư. Vì vậy, cần hạn chế ăn granola có chứa các thành phần như chocolate chip, mật ong, và các loại hạt đã tẩm đường.
Những lưu ý khi mua granola chế biến sẵn
Khi mua granola trên thị trường, bạn cần lưu ý một số mẹo sau để tránh các vấn đề về sức khỏe:
- Kiểm tra hàm lượng đường: Granola chế biến sẵn có thể chứa nhiều đường hóa học và chất tạo ngọt. Hãy chọn loại granola có chứa tối đa 8g đường mỗi khẩu phần.
- Kiểm tra lượng calo: Granola thường chứa từ vài trăm calo cho mỗi khẩu phần. Một loại granola tốt cho sức khỏe nên có ít hơn 200 calo mỗi khẩu phần 1/4 ly, hoặc 400 calo mỗi khẩu phần 1/2 ly.
- Chú ý hàm lượng chất béo: Nhiều loại granola chứa chất béo không bão hòa đơn tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, hãy tìm loại có 2 – 3g chất béo trong 1/4 khẩu phần ăn để đảm bảo an toàn.
- Kiểm tra loại dầu: Tránh xa các loại granola sử dụng dầu cọ và dầu hydro hóa có hàm lượng chất béo bão hòa cao. Tìm những loại được làm từ dầu dừa hữu cơ hoặc dầu ô liu nguyên chất.
- Tránh các “chất độn”: Một số nhà sản xuất sử dụng các chất độn như inulin (chất xơ hòa tan có thể gây vấn đề tiêu hóa) hoặc protein đậu nành phân lập. Tóm lại, nếu có bất kỳ thành phần nào không giống thực phẩm tự nhiên, hãy cân nhắc không mua loại granola đó.
Bài viết trên đã cung cấp những thông tin hữu ích về việc ăn granola kết hợp với các thực phẩm khác để tốt cho sức khỏe. Các loại granola chế biến sẵn trên thị trường tuy tiện lợi nhưng thường chứa nhiều chất không cần thiết, dễ gây tăng cân hơn so với granola tự làm. Nếu bạn bận rộn hoặc không thường xuyên ăn ngũ cốc, bạn vẫn có thể chọn granola bán sẵn, nhưng tốt nhất vẫn là tự làm granola tại nhà để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho chính mình.